Vận chuyên sài gòn quảng ngãi, tây nguyên
Vận Chuyển Quốc Tế đi Lào, Campuchia
Dịch Vụ Vận Chuyển Hàng Hóa Bắc - Trung - Nam
Tin tức

HÀNH TRÌNH 70 NĂM ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM PHÁT TRIỂN CÙNG ĐẤT NƯỚC

Ngày đăng: 04/11/2016 - Đã xem: 806

    Kể từ khi thực dân Pháp đặt những mét ray đầu tiên tại Việt Nam đến nay đã hơn 130 năm. Nhưng phải đến năm 1946, với sự kiện đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đi từ Hải Phòng về Hà Nội, Đường sắt Việt Nam mới chính thức bước sang thời kỳ mới, đồng hành cùng lịch sử xây dựng và phát triển nước Việt Nam độc lập.

    70 năm qua, dù ở bất kỳ thời điểm nào, ngành Đường sắt cũng có những đóng góp quan trọng, chiếm một vị trí xứng đáng trong đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

    Ngày 21/10/1946, CB, CNV Đường sắt Việt Nam vinh dự được nhận nhiệm vụ tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hải Phòng về Hà Nội sau chuyến thăm Pháp. Chuyến tàu đã đưa đoàn công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô tuyệt đối an toàn, đúng kế hoạch, được Người gửi thư cảm ơn, khen ngợi, trong đó có viết: “Công việc Hỏa xa là một công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em Sở Hỏa xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ”. Sự kiện ngày 21/10/1946 đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử Đường sắt Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của đông đảo các thế hệ cán bộ, đảng viên, CNV đường sắt, ngày 11/3/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/10 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Đường sắt Việt Nam.

    đội công trình 609

    Vừa tích cực tham gia xây dựng miền Bắc XHCN, CBCNV đường sắt vừa tích cực tham gia chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, cùng cả nước đấu tranh thống nhất đất nước. Đặc biệt, với quy tắc chạy tàu thời bình chuyển thành thời chiến “qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, với khẩu hiệu “gãy cầu như gãy xương, đứt đường như đứt ruột”, với tinh thần quyết tâm tất cả vì tiền tuyến lớn, hàng vạn công nhân đường sắt đã hăng hái, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhiều sáng kiến được áp dụng. Mặt khác, tập trung sửa chữa hạ tầng, đến hết năm 1973 đã sửa chữa được 3.695m cầu, 135km đường sắt và nhiều công trình quan trọng khác đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

    Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), trong hoàn cảnh phải chịu những tổn thất nặng nề của chiến tranh cả về cơ sở vật chất và nhân lực, nhưng Đường sắt Việt Nam vẫn anh dũng đứng lên kháng chiến cùng dân tộc. Đồng thời, có những bước chuẩn bị tích cực cho việc khôi phục đường sắt sau này. Ngày 6/4/1955, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổng cục Đường sắt thuộc Bộ Giao thông Công chính. Vì vậy, sau hòa bình lập lại CBCNV đường sắt đã lập được kỳ tích trong công cuộc khôi phục và xây dựng đường sắt XHCN. Trong bốn năm (1954-1957), ngành Đường sắt đã khôi phục xong đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Yên Viên - Lào Cai, Văn Điển - Ninh Bình - Hàm Rồng, trong đó có nhiều công trình khó như cầu Việt Trì, cầu Ninh Bình... Quản lý khai thác trên 665 cây số đường sắt, vận chuyển đạt 283 triệu tấn.km hàng hóa, 13 triệu tấn.km hành lý và 987 triệu hành khách.km.

    Sau chiến thắng 30/4/1975, hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, CBCNV đường sắt lại cùng các lực lượng khôi phục đường sắt Bắc - Nam. Chỉ sau một năm đã khôi phục và xây dựng mới 2 vạn mét cầu, xây 520 cống, đặt mới 660km đường ray và 1.686km đường dây thông tin... Chào mừng thành công Đại hội lần thứ IV của Đảng, ngày 31/12/1976, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã làm lễ khánh thành thông xe đợt I Đường sắt Thống Nhất. Sau hơn 30 năm gián đoạn (1946-1976), đường sắt xuyên Việt đã hoạt động trở lại và trở thành biểu tượng của tinh thần, sức mạnh đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc.

    Giai đoạn 1976-1986, ngành Đường sắt có nhiều hoạt động tích cực trong sản xuất cũng như phong trào. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ thời kinh tế bao cấp, ngành Đường sắt vẫn còn những hạn chế. Vì vậy, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, ngành Đường sắt quyết tâm đoạn tuyệt với tập trung quan liêu bao cấp, phấn đấu để cho dân bớt kêu ca, đời sống CNVLĐ đỡ vất vả, Nhà nước đỡ gánh nặng. Ngày 14/5/1990, Tổng cục Đường sắt chuyển thành Liên hiệp Đường sắt VN. Nhìn một cách tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh trong 7 năm đầu đổi mới (1989-1996), sản lượng vận tải tăng bình quân hàng năm 9,58%. Liên tiếp rút ngắn hành trình tàu khách Thống Nhất, nâng cao chất lượng phục vụ. Trong vòng 5 năm (1989 - 1994) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam tàu khách Thống Nhất đã được rút ngắn hành trình từ 48 giờ (1989) xuống còn 36 giờ (1994), hành trình tàu hàng còn 52 giờ.

    Những năm từ 1996 đến 2001, sản lượng và doanh thu của toàn ngành đã có mức tăng trưởng cao, lượng luân chuyển tấn.km tính đổi tăng bình quân 6,48% một năm, doanh thu tăng bình quân 13,53% một năm. Riêng năm 2000, sản lượng hàng hóa đạt trên 6,1 triệu tấn, tổng doanh thu đạt 1.252 tỷ (bằng 124,05% năm 1999). Đây là năm đạt mức tăng trưởng và doanh thu cao nhất trong 10 năm đổi mới (tính đến năm 2000) của ngành Đường sắt. Từ tháng 9/2000, ngành Đường sắt đã đưa vào khai thác hai đôi tàu nhanh S1/2 và S3/4, sản phẩm do các cán bộ, công nhân các nhà máy toa xe trong ngành phối hợp thiết kế, chế tạo.

    Trong 5 năm 2010-2015 là thời gian Tổng công ty Đường sắt VN tập trung tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và đổi mới toàn diện. Đặc biệt, trong các năm 2014-2015, trước yêu cầu bức thiết phải thay đổi để tồn tại và phát triển, Tổng công ty Đường sắt VN đã có những bước đi nhanh hơn, quyết liệt hơn trên lộ trình tái cơ cấu; Tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt theo hướng tất cả vì khách hàng, thực hiện phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng: “An toàn-Thuận tiện-Thân thiện-Đúng giờ-Hiệu quả”, thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử theo tiêu chí “4 xin - 4 luôn”; Kiên quyết xóa bỏ những định kiến, hình ảnh xấu về đường sắt… lấy lại niềm tin của nhân dân, của khách hàng. Hàng loạt dự án được thực hiện nhằm đem đến chất lượng phục vụ, dịch vụ tốt hơn nữa cho hành khách như: Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải hiện đại trên toa xe khách; Công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các ke hành khách, lắp đặt mái che tại ga Hà Nội, ga Sài Gòn; Xây dựng cầu vượt trong ga Hà Nội, bãi bỏ vé đón tiễn và kiểm soát vé khi hành khách ra vào ga… Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng hệ thống bán vé điện tử “Mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi” được coi là sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và ứng dụng KHCN nhằm đem đến sự thuận tiện cho khách hàng…

    Ngày 4/3/2003, thành lập Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Liên hiệp Đường sắt Việt Nam. Từ đây, ngành Đường sắt đổi mới toàn bộ hệ thống cơ chế quản lý nội bộ, vừa mở rộng SXKD đa sản phẩm, vừa thực hiện đa sở hữu, chủ động cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường. SXKD của toàn ngành tăng trưởng liên tục trong 5 năm 2001 - 2005, tổng doanh thu tăng bình quân hàng năm 12,39%. Giai đoạn 2005-2010, bình quân tăng trưởng 13,9%/năm, thu nhập bình quân tăng 10%/năm. Tổng công ty đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để tập trung đầu tư cải tạo, bảo trì, từng bước nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt và đóng mới, sửa chữa nâng cấp sức kéo, sức chở, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường vận tải đường sắt và đảm bảo ATGT vận tải đường sắt

    Để xứng đáng với tấm Huân chương Sao vàng cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng năm 2010 cũng như những nỗ lực vượt khó, thực hiện đổi mới, đem lại kết quả bước đầu thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định trong thời gian tới, tiếp tục từng bước đổi mới hiện đại, xứng đáng với vị trí của ngành kinh tế quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Phấn đấu 5 năm tới (2016-2020) duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục, bình quân hàng năm sản lượng và doanh thu tăng từ 8% trở lên; Đảm bảo việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người tăng 8%/năm.

    Thanh Thúy (Thực hiện)  

     Công Ty Vận Tải Trường Thịnh
    Địa chỉ: 654 Hồ Học Lãm, Bình Trị Đông B, Bình Tân, Tphcm
    Hotline: 0942.269.289  0944.269.289
    Email: vanchuyentruongthinh@gmail.com

    Website: vanchuyentruongthinh.com

    Bài viết khác

    banner
    Đối tác của vận tải trường thịnh